CẢNH BÁO NẤM ĐỘC

Thời gian gần đây, Trung tâm nghiên cứu và phát triển Nấm – trực thuộc Công ty Nấm Vàng – nhận được nhiều tin nhắn của các bạn về một loài nấm có hình dạng giống Nấm mối và hỏi rằng loại nấm này có ăn được hay không?

Như các bạn đã biết, hiện ở miền Nam đã vào mùa mưa nên lác đác nhiều vùng thuộc Đông Nam Bộ đã bắt đầu có Nấm mối (Termitomyces albuminosus, hay còn gọi là nấm mối trắng, nấm mối tự nhiên) đầu mùa. Tuy nhiên, bên cạnh đó các loài nấm dại khác cũng mọc rất nhiều sau mưa, trong đó có các loại Nấm độc, thậm chí là rất độc như Nấm Hôi Lepiota có hình dạng rất tương đồng với Nấm mối Termitomyces albuminosus đặc biệt là khi mũ nấm chưa bung dù, vì vậy chúng ta cần xem kỹ trước khi sử dụng Nấm làm thức ăn.

Nấm Hôi, thuộc họ Lepiota, thường mọc trong các khu rừng thông và rừng rụng lá. Loại nấm này chứa amatoxin, độc tố gây ra 80-90% ca tử vong do ngộ độc nấm. Tỷ lệ tử vong khi ăn phải amatoxin lên tới 50% nếu không được điều trị, và 10% nếu được điều trị kịp thời. Các triệu chứng ban đầu gồm đau bụng và rối loạn tiêu hóa, sau đó bệnh nhân bị suy gan dẫn đến tử vong.

Có 4 loại Nấm chủ yếu Lepiota phân bố rộng rãi trong tự nhiên, mọc nhiều trong các khu rừng rụng lá, các khu vườn thậm chí là trong các vườn hoa, bồn rau… vào mùa hè và mùa thu, khi đất ẩm ướt do các cơn mưa lớn.

1. Lepiota cristata

Đây là một loài Nấm rất độc, có kích thước nhỏ hơn cả trong số các loài nấm độc Lepiota, nó đặc trưng với màu sáng đục và ngả vàng nhạt ở mũ nấm gần giống Nấm mối tuy nhiên mũ nấm có những vảy màu vàng phân bố khá đều xung quanh mũ nấm. Kích thước mũ nấm từ 1-4 cm, thân nấm cao từ 2.5-5 cm, với đường kính thân từ 0.2-0.4 cm. Đặc trưng của nấm này là có vòng thân khá rõ khi quả thể bung dù, vòng thân này là một dấu hiệu cảnh báo của Nấm Lepiota. Thường mọc phân bố thành đám trong rừng hoặc ở các khu đất trống.

2. Lepiota clypeolaria

Nấm độc Lepiota clypeolaria

Nấm tuy có kích thước trung bình tuy nhiên thân lại rỗng, có màu trằng kem và mũ nấm có màu vàng nâu, có vảy màu nâu. Thường mọc ở các khu vực rừng là rụng vào mùa thu thành từng đám hoặc đơn lẻ. Kích thước mũ nấm từ 3-7 cm, thân nấm cao từ 5-12 cm, với đường kính thân từ 0.5-1 cm.

3. Lepiota ignivolvata

Nấm độc Lepiota ignivolvata

Đây là loại nấm tương đối lớn tuy nhiên một trong những đặc điểm dễ phân biệt là Nấm có vòng thân màu vàng nâu nằm gần gốc khi nấm bung dù. Kích thước mũ nấm rất lớn từ 4-11 cm, có khi lên đến 14 cm có màu nâu đậm khảm nhiều vảy, thân nấm rỗng, cao từ 5-15 cm, với đường kính thân từ 0.5-2 cm có màu vàng. Thường mọc đơn độc hay thành từng đám trong các rừng lá rụng dày.

4. Lepiota brunneoincarnata

Nấm độc Lepiota brunneoincarnata

Đây là loài Nấm cực kỳ độc trong họ Lepiota. Tuy độc tính của loài nấm Lepiota brunneoincarnata rất cao nhưng do kích thước nhỏ và phân bố hạn chế trong tự nhiên nên ít có ghi nhận về các ca ngộ độc gây ra bởi loại nấm này. Kích thước mũ nấm trung bình 2.5 -5 cm có màu nâu đậm được khảm bởi các vảy cũng có màu nâu, các cánh mang bào tử dưới mũ nấm dày, thân nấm cao từ 2-3.5 cm, với đường kính thân từ 0.5-0.8 cm có màu nâu. Thường mọc đơn độc hay thành từng đám trong các rừng lá rụng dày vào cuối mùa hè đầu mùa thu.

AD Honza.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *