NẤM VÀ CÁC HỢP CHẤT TỪ NẤM – THÀNH PHẦN TỰ NHIÊN TIỀM NĂNG CỦA MỸ PHẨM, DƯỢC MỸ PHẨM VÀ MỸ PHẨM CHỨC NĂNG

Trong các bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu về hoạt tính chống ung thư của Nấm. Bài viết này giới thiệu ứng dụng khác của nấm và các chiết xuất từ nấm là thành phần tự nhiên của mỹ phẩm.

Mỹ phẩm (Cosmetics), dược mỹ phẩm (Cosmeceuticals) và mỹ phẩm chức năng (Nutricosmetics) là gì?

Mỹ phẩm: là bất kỳ chất nào khi thoa hoặc rắc lên các bộ phận khác nhau của cơ thể con người với mục đích chính là để làm sạch, làm đẹp, tăng sự quyến rũ, bảo vệ và giữ cho chúng luôn trong tình trạng tốt (Luque de Castro, 2011). Ngành công nghiệp mỹ phẩm thế giới với giá trị hàng chục tỷ đô la Mỹ, luôn luôn tìm kiếm các sản phẩm tự nhiên mới và được cải tiến như là nguyên liệu thích hợp, có khả năng cạnh tranh với các mỹ phẩm tổng hợp nhân tạo hoặc có bổ sung các chất có hoạt tính sinh học mới. Ở Châu Á, nấm đã được sử dụng như là thành phần dược liệu và mỹ phẩm hiệu quả từ hàng ngàn năm trước ở Trung Quốc và Nhật Bản để phục vụ cho hoàng tộc (Hyde và cộng sự, 2010).

Dược mỹ phẩm: có thể được định nghĩa là sự kết hợp của mỹ phẩm và dược phẩm bao gồm các sản phẩm như các loại kem dưỡng, lotions và thuốc mỡ/chất nhờn… có chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học và có hiệu quả giống thuốc (Sharma, 2011). Những sản phẩm này được biết là có chứa các thành phần có ảnh hưởng đến chức năng sinh học của da bằng cách cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho làn da khỏe mạnh, cải thiện sắc tố da, làm mịn và chống lão hóa (Hyde và cộng sự, 2010). Ngày nay, việc sử dụng các hợp chất chuyển hóa từ thực vật, vi sinh vật, các sản phẩm từ sữa (Haruta-Ono et. al, 2012; Keller và cộng sự, 2014), khoáng chất và các thành phần protein động vật (Rodrigues et al, 2015) để chăm sóc da rất phổ biến. Các chiết xuất từ dừa, hoa nhài, sả, nhãn và một số cây dược liệu đóng một vai trò quan trọng trong điều trị các bệnh lý về da khác nhau và chăm sóc sức khỏe làn da. Do đó, chúng đã được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Châu Phi (De Wet và cộng sự, 2013). Nấm và các sản phẩm từ nấm hiện đang được đưa vào trong ngành mỹ phẩm, được sử dụng rộng rãi dưới dạng là vật liệu thô hoặc là các hợp chất tinh khiết chiết xuất từ nấm để điều trị các bệnh khác nhau liên quan đến da (Hyde và cộng sự, 2010).

Mỹ phẩm chức năng: hiện là xu hướng mới nhất trong chăm sóc da bao gồm việc kết hợp thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Điều này liên quan việc tiêu thụ các chất bổ sung dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe của da và tóc (Luque de Castro, 2011). Nhiều loại vi chất dinh dưỡng có thể mang đến hiệu quả này, ví dụ như vitamin C có khả năng chống oxy hoá và có xu hướng làm giảm sự hình thành các gốc tự do khi da tiếp xúc với tia UV. Theo xu hướng này, ngành công nghiệp mỹ phẩm hiện đang nỗ lực hơn nữa để phát triển các loại mỹ phẩm chức năng có hàm lượng cao các thành phần như collagen, axit hyaluronic, elastin và ceramid để duy trì cấu trúc và chức năng của da (Haruta-Ono và cộng sự, 2012). Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng việc sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng như dược mỹ phẩm giúp tăng khả năng giữ nước và bảo vệ da khỏi các tác động xấu từ môi trường.

Sự lão hóa da là gì?

Da là cơ quan lớn nhất chiếm khoảng 15% trọng lượng cơ thể. Da hoạt động như một hàng rào bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân vật lý, hoá học và sinh học, ngăn ngừa sự mất nước (Kendall và Nicolaou, 2013). Sự lão hóa không chỉ ảnh hưởng đến da mà còn tác động các cơ quan khác của cơ thể gây ra bởi sự thay đổi sự tiết hormone xảy ra do tuổi tác, thường dẫn đến suy giảm collagen, da khô, thoái hoá mạng lưới sợi đàn hồi (elastin) (Papakonstantinou và cộng sự, 2012).

Các yếu tố ảnh hưởng sự lão hóa từ môi trường bên ngoài chủ yếu là tiếp xúc với bức xạ mặt trời được gọi là “photo aging” (lão hóa da do ánh nắng mặt trời). Các gốc tự do oxy hóa (Reactive oxygen species, ROS) đóng một vai trò quan trọng trong các quá trình lão hóa, phát sinh từ quá trình trao đổi chất tế bào oxy hóa gây tổn thương các thành phần tế bào như thành tế bào, màng lipid, ty thể và DNA. ROS kích hoạt protein hoạt hóa – 1 (activator protein-1, AP-1) – một yếu tố sao chép thúc đẩy sự suy thoái collagen – bằng cách tăng cường biểu hiện enzyme matrix metalloproteinases (MMPs) phân hủy collagen. Tia cực tím (UV) cũng góp phần làm giảm sự tổng hợp collagen bằng cách ức chế yếu tố tăng trưởng chuyển đổi β (transforming growth factor β, TGF-β) – một cytokine thúc đẩy quá trình sản xuất tiền-collagen. Ngoài elastin và collagen, axit hyaluronic cũng có vai trò làm giảm stress oxy hóa do có khả năng giữ nước cho da (Papakonstantinou và cộng sự, 2012).

Như vậy, các chất ức chế hoạt động của các enzym elastase, hyaluronidase, tyrosinase và MMPs có thể là thành phần mỹ phẩm tiềm năng trong điều trị lão hóa da bằng cách phục hồi độ đàn hồi của da, tăng độ ẩm, kích thích tổng hợp collagen và làm sáng da. Do đó, ngành công nghiệp mỹ phẩm đang tìm kiếm các hợp chất, chất bổ sung hoặc chiết xuất từ tự nhiên với khả năng ức chế quá trình lão hóa. Các hợp chất phenol tự nhiên đã được báo cáo là có khả năng chống lại các gốc tự do oxy hóa, do đó đây là những thành phần tiềm năng trong sản xuất kem hoặc lotion chống lão hóa da trong ngành công nghiệp mỹ phẩm (Soto và cộng sự, 2015).

Các chiết xuất và hợp chất có hoạt tính sinh học từ nấm là những thành phần tự nhiên trong mỹ phẩm.

Nấm là nguồn thực phẩm quan trọng được sử dụng rộng rãi do có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng cũng như hương vị. Nấm đã được nghiên cứu là có chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học như các hợp chất phenol, terpenoids, polysaccharides, lectins, steroids, glycoprotein và các thành phần lipid. Chiết xuất từ nấm cũng như các hợp chất thứ cấp của chúng có các chức năng sinh học quan trọng như chống oxy hóa, kháng ung thư, kháng vi sinh vật, kháng viêm, điều hòa miễn dịch, chống xơ vữa động mạch, hạ đường huyết (Ferreira et al., 2009; Ferreira et al., 2010; Alves et al., 2012; Taofiq et al., 2016). Ngoài ra, các chiết xuất từ nấm cũng như các hợp chất có hoạt tính sinh học từ nấm còn được chứng minh là có khả năng ức chế hoạt động của các enzyme như tyrosinase (tham gia tổng hợp melanine tạo sắc tố da), hyaluronidase (phân hủy axit hyaluronic (HA) trong da, HA liên kết các sợi collagen và giữ nước giúp duy trì độ ẩm và đàn hồi của da), collagenase (phân hủy collagen) và elastase (phân hủy elastin, sợi đàn hồi trong da).

Như vậy các chiết xuất nấm và các chất chuyển hóa sinh học của chúng là các thành phần quan trọng có thể giúp chống lão hóa, giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm da và điều chỉnh các rối loạn tăng sắc tố.

Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris (C. militaris) thuộc lớp Ascomycetes (Nấm nang), đã được sử dụng như là một loại thảo dược và thực phẩm bổ dưỡng ở các nước Đông Á. Nó chứa nhiều loại hợp chất có hoạt tính sinh học (như cordycepin, polysaccharides, ergosterol, mannitol, ….), và nó có nhiều hoạt tính sinh lý quan trọng. Ngày nay nó đã được sử dụng nhiều trong lĩnh vực dược liệu và mỹ phẩm. Các bằng chứng cho thấy các hoạt chất của C. militaris có khả năng tăng cường chức năng sinh lý, kháng viêm, kháng oxy hóa, chống lão hóa, kháng u/ kháng ung thư/ kháng ung thư bạch huyết, ngăn cản sự tăng sinh, ngăn cản sự di căn, điều hòa khả năng miễn dịch, kháng vi khuẩn, kháng vi rút, kháng nấm, kháng vi trùng, diệt côn trùng, chống lại sự xơ hóa, sự sinh tổng hợp hormone sinh dục, mỡ máu cao, chống lại bệnh tiểu đường, kháng virut HIV, kháng sốt, chống lại sự mệt mỏi, bảo vệ thần kinh, bảo vệ gan, bảo vệ thận và phổi…khiến nó được thương mại hóa ở các nước phương Tây như là một loại thuốc bán không cần kê đơn. Vì vậy, nấm dược liệu C. militaris là một trong những ứng viên quan trọng nhất có thể sử dụng như thảo dược để chăm sóc sức khỏe trong tương lai. Trong những năm gần đây, C. militaris và các chiết xuất từ C. militaris được quan tâm và sử dụng để sản xuất mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da. Chiết xuất của C. militaris đã được các nhà khoa học Hàn Quốc chứng minh là có khả năng chống lại quá trình lão hóa thông qua quá trình “thu nhặt” các gốc tự do oxy hóa (ROS) (Park và cộng sự, 2014).

Tham khảo:

  1. Taofiq O., González-Paramása A.M., Martinsa A., Barreiroc M.F., and Ferreira I.C.F.R. 2016. Mushrooms extracts and compounds in cosmetics, cosmeceuticals and nutricosmetics – A review. Industrial Crops and Products 90:38-48.
  2. Park J.M., Lee J. S., Lee K.R., Ha S.-J., and Hong E.K. 2014. Cordyceps militaris extract protects human dermal fibroblasts against oxidative stress-induced apoptosis and premature senescence. Nutrients, 6(9), 3711–3726. http://doi.org/10.3390/nu6093711

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *